Làng cổ Shirakawa-go
Nói về những ngôi làng cổ nổi tiếng ở Nhật thì có lẽ làng cổ Shirakawago ở tỉnh Gifu miền trung Nhật Bản sẽ đứng đầu trong danh sách được kể đến. Ngôi làng xinh đẹp đến mức được cho là giữ lại nguyên vẹn phong cảnh nguyên sơ làng quê của Nhật Bản nên vào năm 1976 đã được chính phủ chọn là khu bảo tồn kiến trúc trọng điểm của Quốc Gia. Không những thế, lối kiến trúc đặc biệt với tên gọi Gassho ở đây cũng được thế giới đánh giá cao và đã được chọn là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Tại đây có 114 ngôi nhà lợp mái lá Gassho kiểu truyền thống và được bảo tồn trong phong cảnh thiên nhiên yên bình. Với những lý do trên ngôi làng đã trói được trái tim của nhiều người khi tới đây tham quan hoặc mơ ước 1 lần đi tới.
Những điểm đặc trưng của ngôi làng
Vị trí của ngôi làng thuộc tỉnh Gifu, ở khu vực giữa trên bản đồ Nhật Bản. Nằm ở sâu trong núi và chung quanh là những triền dốc khấp khủy, 1 con suối nhỏ chảy chung quanh như hỗ trợ nguồn nước cho các thửa ruộng, những rừng thông già bao bọc chung quanh trên những ngọn núi xa … cả ngôi làng đúng là 1 thế giới cổ tích cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Đặc biệt, đây là địa phương đặc biệt nhiều tuyết của Nhật nên mùa đông rất đẹp vì thường được phủ kín trong tuyết trắng. Người dân tại đây từ ngàn đời đã quen với khí hậu này nên hình thành những tập quán sinh hoạt đặc biệt mà không đâu có. Để bảo tồn loại hình văn hóa đặc sắc này, ngôi làng đã đặt ra 3 điều lệ “không bán, không cho mướn, không phá hoại” đối với nhà cổ, ruộng vườn và núi rừng chung quanh làng. Một điểm đặc biệt nữa là tinh thần “YUI” (gắn kết) của người dân tại đây. Do ngôi làng thường bị cách lập với thế giới bên ngoài khi mùa Đông về nên người dân phải nương tựa vào nhau để tự trải qua các cơn bão tuyết trong mùa đông. Và hiện tại, do ngôi làng phải bảo tồn các cảnh quan sau khi nhận được danh hiệu Di sản văn hóa thế giới nên toàn bộ người dân trong làng thường cùng nhau làm các công việc bảo tồn trong làng. Việc tu sửa mái lá 1 năm khoảng 1 – 2 lần, việc thay mái lá 30 – 40 năm 1 lần đều do người dân tự tổ chức thực hiện và kỹ thuật này cũng được truyền đời đời cho các người dân trong làng để mọi người có thể thực hiện. Một hình thức truyền thừa văn hóa mang đậm tính nhân văn mà bất cứ thời đại nào cũng được tôn trọng.
Kiến trúc mái lá Gassho
Do làng nằm ở sâu trong núi, ở khu vực có nhiều mưa và tuyết nên các ngôi nhà cổ ở đây phần lớn được xây dựng kiểu mái có độ nghiêng từ 45 cho đến 60 độ để tránh nước mưa bám vào lâu và để dễ xả tuyết rớt xuống khi bám nhiều trên mái. Các mái lá do đó cũng được lợp bằng lau – sậy rất dày nhưng lại rất nhẹ! Với cách lợp này, từ xa nhìn mái ngói như 2 cánh tay đang chắp lại cầu nguyện nên được đặt tên như ý nghĩa trên là Gassho. Giữa vùng núi thâm sâu, những ngôi nhà với mái dầy nằm bên ruộng vườn tạo nên nét đẹp hoang sơ nhưng lại rất hùng tráng giữa thiên nhiên. Hơn nữa sự an tâm và ấm áp như tỏa ra từ các ngôi nhà đơn sơ này làm cho du khách như được trở lại quê nhà, như trở về với cội nguồn, như được ngủ say trong sự yên bình này. Có lẽ đây chính là điểm mê hoặc của ngôi làng, của những người muốn tìm kiếm sự bình yên thật sự cả trong hiện thực lẫn trong thâm tâm của mình.