Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản: Các lễ hội mùa xuân
Nhật Bản là một đất nước có nhiều lễ nghi truyền thống và nhiều ngày nghỉ lễ hiếm có trên thế giới. Ngoài ra, cũng có nhiều sự kiện được lập ra do thời tiết bốn mùa. Lần này, chúng tôi muốn giới thiệu về các sự kiện mùa xuân sau Tết.
Lễ thành nhân
Ngày 15 tháng 1 được gọi là ngày thành nhân, tổ chức cho các thanh niên bước vào tuổi 20 và bắt đầu được coi là một thành viên chính thức của xã hội chịu các trách nhiệm về hành vy của mình. Sau Thế chiến II, nó đã trở thành một ngày lễ của Nhật Bản. Chính quyền của mỗi thành phố sẽ tổ chức Lễ thành nhân cho các thanh niên đủ 20 tuổi của địa phương mình. Hầu hết các cô gái đều tham gia trong trang phục kimono. Ở Nhật Bản, sau lễ thành nhân mới được phép uống rượu và hút thuốc. Luật bầu cử được sửa đổi vào năm 2015 và năm 2016 mọi người có quyền đi bầu cử từ năm 18 tuổi, nhưng trước đó phải sau 20 tuổi mới được đi bầu cử. Bắt đầu từ năm 2000, chính phủ đã đổi ngày lễ này qua thứ Hai, tuần thứ hai của tháng 1 để mọi người có 3 ngày nghỉ liên tiếp.
Lễ tiết phân
Lễ tiết phân có ý nghĩa là phân chia 2 mùa trong năm. Tại Nhật Bản, lễ tiết phân được chọn là ngày mùa đông cuối cùng trước khi bước vào ngày lập xuân. Theo lịch năm nay, lễ tiết phân đã được tổ chức vào ngày 3 tháng 2. Trong ngày lễ tiết phân, người Nhật thường tổ chức việc rải các hạt đậu đã rang tại nhà của mình. Mọi người thường đứng ở cửa nhà, vừa vốc đậu ném ra phía sân và phía trong nhà vừa la “ma quỷ ra ngoài, phúc lộc vào trong". Sau đó, sẽ ăn số hạt đậu đã rang bằng với số tuổi của mình và cầu nguyên cho 1 năm có sức khỏe tốt.
Ngày quốc khánh
Ngày 11 tháng 2 là Ngày Quốc khánh của Nhật Bản. Theo thần thoại Nhật Bản, đây là ngày Thiên Hoàng Jinmu, thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản kế vị ngai vàng và thiết lập phả hệ của hoàng tộc cho tới ngày nay. Trước chiến tranh, ngày này được tổ chức kỷ niệm và gọi là Kigensetsu. Từ năm 1967 trở đi, ngày này được coi là ngày quốc khánh và trở thành ngày nghỉ lễ của toàn quốc gia.
Sinh nhật Nhật Hoàng
Ngày 23 tháng 2 là ngày sinh nhật Nhật Hoàng và được thiết lập thành ngày nghỉ lễ của toàn quốc. Đây là sinh nhật của Nhật hoàng Naruhito, vị Nhật hoàng đời thứ 126, tại vị từ năm 2019 đến ngày 1 tháng 5 năm 2019 của hoàng cung Nhật Bản.
Lễ hội cho các bé gái Hinamatsuri
Tại Nhật, các gia đình có con gái sẽ tổ chức lễ Hinamatsuri vào ngày 3 tháng 3 hàng năm để cầu nguyện cho con gái sẽ lớn lên trong mạnh khỏe và hạnh phúc. Hinamatsuri là 1 lễ hội đã được hình thành từ thời kỳ Edo (1603-1867). Những con búp bê mô phỏng theo hình ảnh gia đình hoàng gia bao gồm vua, hoàng hậu, những người tùy tùng và những dụng cụ được sử dụng trong hoàng cung sẽ được trưng bày trong thời gian lễ hội diễn ra. Tùy theo gia đình mà số lượng búp bê trưng bày khác nhau, thường là từ 1 tầng đến 7 tầng.
Ngày xuân phân Shunbun
Ngày xuân phân (tiết thanh minh) là ngày được cho là khi mặt trời chạm tới điểm xuân phân, khi đó độ dài của ngày và đêm gần như bằng nhau. Mỗi năm vào khoảng ngày 21 tháng 3 Nhật Bản sẽ chỉ định là ngày xuân phân và tạo thành ngày nghỉ lễ toàn quốc. Khoảng 1 tuần trong giai đoạn này được gọi là Higan, đây là từ bắt nguồn từ Phật Giáo có nghĩa là thế giới bên kia. Người ta tin rằng trong khoảng thời gian này linh hồn của tổ tiên sẽ quay trở lại nhân gian nên mọi người sẽ đi tảo mộ, dâng hoa và thắp hương cúng tổ tiên.
Ngắm hoa Hanami
Khi hoa anh đào nở rộ vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 ở khắp Nhật Bản, mọi người thường cùng nhau tổ chức đi ngắm hoa và gọi sự kiện này là Hanami. Đồng nghiệp công ty, gia đình hoặc bạn bè sẽ cùng nhau đến các công viên có Hoa anh đào, trải thảm dưới gốc cây vừa ngắm hoa vừa ăn uống và chia sẻ các câu chuyện trong cuộc sống và công việc .Đây là nét độc đáo trong văn hóa của người Nhật về việc thụ hưởng những đặc ân do thiên nhiên ban tặng.
Ngày lễ Showa – Ngày xanh
Ngày 29 tháng 4 là ngày sinh nhật của Nhật hoàng Showa, sau khi ông chết vào năm 1989 thì ngày này đã được chọn làm ngày nghỉ chính thức của quốc gia để kỷ niệm vị Nhật hoàng này. Khi còn sinh thời, Nhật hoàng Showa rất quan tâm đến thực vật nên chính phủ đã chỉ định ngày này là “Ngày xanh" với ý nghĩa làm tăng thêm không gian xanh trên toàn nước Nhật bằng việc trồng cây xanh. Tuy nhiên, sau khi Nhật hoàng Showa qua đời, vào năm 2007 “Ngày xanh" đã được chuyển qua ngày ngày 4 tháng 5 và ngày 29 tháng 4 đã trở thành “Ngày Showa".
Tuần lễ vàng
Tuần lễ vàng là khoảng thời gian từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 5 tháng 5. Trong thời gian này có 4 ngày lễ được nghỉ trên toàn quốc, nhiều người lấy thêm 1 ngày nghỉ để nghỉ trọn vẹn 1 tuần và sử dụng ngày nghỉ dài này để thực hiện những chuyến du lịch đi xa. Do tháng 5 vẫn thuộc mùa xuân, khí hậu dễ chịu nên hầu như mọi người đều đi du lịch đó đây để thư giãn.
Ngày thành lập hiến pháp
Ngày 3 tháng 5 năm 1947, Hiến pháp hiện tại của Nhật Bản chính thức đã được thi hành. Để kỷ niệm về sự kiện này, ngày 3 tháng 5 đã được chọn làm ngày nghỉ lễ của toàn quốc gia. Đây là ngày để 1 lần nữa khẳng định lại các vấn đề về chủ quyền công dân, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, giữ vững chủ nghĩa hòa bình và đây là các điều tinh thuần cơ bản của Hiến pháp Nhật Bản.
Ngày bắt đầu vụ mùa
Vào khoảng ngày thứ 88 sau ngày lập xuân, những người làm nông sẽ bắt đầu gieo những hạt giống lúa đầu tiên trong năm. Từ tháng 5 đến tháng 6, khi đi đến các vùng quê của Nhật Bản, ở bất kỳ đâu cũng có thể thấy khung cảnh chuyển cây giống mạ non từ các khay ươm sang ruộng lúa. Đây chính là dấu hiệu của việc bắt đầu bước vào mùa trồng trọt lúa của Nhật.