Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản: Các lễ hội mùa Thu

Nhật Bản là một đất nước có nhiều lễ nghi truyền thống và nhiều ngày nghỉ lễ hiếm có trên thế giới. Ngoài ra, cũng có nhiều sự kiện được tổ chức theo 4 mùa trong năm. Lần này, chúng tôi xin giới thiệu về các sự kiện mùa thu.

Ngày kính lão

Vào thứ hai của tuần thứ 3 tháng 9 là một ngày lễ độc đáo của Nhật Bản để tôn vinh người cao tuổi. Đây cũng là ngày để xem xét lại các vấn đề phúc lợi dành cho người cao tuổi vì Nhật Bản là quốc gia có số người sống thọ nhiều nhất trên thế giới. Trong ngày này, mọi người thường đến thăm cha mẹ hoặc ông bà mình nếu không sống chung và trẻ em cấp mẫu giáo sẽ được đưa đến thăm các nhà dưỡng lão tại địa phương mình đang sinh sống. Thường thì, Chính quyền địa phương sẽ tài trợ kinh phí để tổ chức các sự kiện khác nhau trong ngày này và Hội kính lão của địa phương cũng sẽ tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tặng quà lưu niệm cho người lớn tuổi.

Ngày thu phân

Vào khoảng ngày 23 tháng 9 hàng năm sẽ có một ngày nghỉ lễ trên toàn quốc được gọi là ngày thu phân. Tương tự như ngày xuân phân, trong tuần này độ dài của ngày và đêm là gần như bằng nhau. Dựa theo kinh điển của Phật giáo, người ta tin rằng, tại thời điểm khi mặt trời mọc từ phía chính đông và lặn về phía chính tây thì linh hồn của người chết có thể băng qua lại giữa con sông ngăn cách 2 thế giới sinh tử. Với cách suy nghĩ như vậy, những ngày này mọi người sẽ đi viếng mộ, dâng hương hoa và cầu nguyện cho linh hồn của ông bà tổ tiên.

Lễ trung thu Tsukimi

Jugoya trong tiếng Nhật có nghĩa là đêm 15 âm lịch, đêm “Trăng rằm trung thu" và cũng có nghĩa là “Đêm trăng đẹp nhất giữa mùa thu". Theo dương lịch năm nay thì vào khoảng từ ngày 7 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 sẽ có 1 ngày Trăng rằm và người Nhật sẽ chọn nó là ngày Tsukimi để hưởng thụ việc ngắm trăng. Thời điểm này cũng là thời điểm thu hoạch trong năm, vì vậy việc trăng tròn sẽ là một chuyện đáng cảm tạ để những người nông dân có thể làm việc đến tận đêm khuya và cầu cho một vụ mùa bội thu. Ở châu Âu và châu Mỹ, vào thời điểm trăng tròn này cũng được gọi là tháng thu hoạch. Ngày nay, mọi người thích vẫn thích thú việc ngắm trăng và cũng vẫn dâng cúng bánh nếp và cỏ lau lên bàn thờ vào ngày này

Ngày thể thao

Vào thứ hai của tuần thứ 2 trong tháng 10 được thành lập là Ngày thể thao của quốc gia. Ngày thể thao đã được thiết lập là một ngày nghỉ lễ vào năm 1966, dựa trên việc kỷ niệm lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Tokyo được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 năm 1964. Theo thống kê, tỷ lệ thời tiết đẹp rất cao trên toàn quốc nên nhiều nơi thường tổ chức các cuộc hội thao sức khỏe vào ngày này. Bắt đầu từ năm 2000, chính phủ đã thay đổi ngày lễ này sang thứ Hai của tuần thứ 2 của tháng 10 để tạo ra kỳ nghỉ dài liên tục dễ dàng thực hiện các Lễ hội.

Ngày văn hóa

Trước đây, ngày 3 tháng 11 là ngày lễ kỷ niệm mừng sinh nhật Nhật hoàng Meiji và đây cũng là ngày Hiến pháp Nhật Bản được ban hành. Ngày nay, để quảng bá cho hòa bình, tự do và xúc tiến văn hóa ngày này đã được chỉ định là ngày văn hóa. Ngoài ra đây cũng là ngày trao tặng huân chương văn hóa cho những người có công đóng góp cho sự phát triển văn hóa của Nhật và lễ trao tặng Huân chương sẽ được tổ chức tại Hoàng Cung do chính Nhật Hoàng đích thân trao tặng.

Lễ Shichigosan

Trong tiếng Nhật, Shichigosan có nghĩa là 7,5 và 3 và là ngày lễ cho trẻ em. Vào ngày 15 tháng 11, cha mẹ và ông bà đưa con mình ở độ tuổi này đến một ngôi đền gần nhà để cầu nguyện cho sự trưởng thành của các đứa bé này. Ban đầu, đây là một tập quán của các gia đình võ gia và các gia đình quý tộc. Nhưng kể từ thời Edo, các gia đình bình thường cũng tổ chức cho con của mình. Vào ngày lễ các cô bé 3 và 7 tuổi, các chú bé 3 và 5 tuổi được cha mẹ cho mặc các trang phục Kimono truyền thống xinh xắn và được dẫn đến các đền thần để cầu nguyện. Sự trân trọng và yêu quý trẻ nhỏ tại Nhật Bản được thấy rõ qua từng tập quán có từ ngàn đời tại đây.

Ngày lao động

Ngày 23 tháng 11 là ngày Lễ lao động tại Nhật được thành lập nhằm truyền đạt tầm quan trọng của công ăn việc làm. Vào ngày này, để cảm tạ vị thần sáng tạo ra Thần đạo Amaterasu Okamikami và các vị Thần khác của Thần đạo, Nhật Hoàng sẽ dâng gạo, rượu sake mới trong năm tại đền thờ trong Hoàng Cung và chính Nhật Hoàng cũng sẽ tổ chức nghi thức ăn uống nên đây còn được gọi là Niinamesai (Lễ nếm thử thực phẩm mới).

Ngày cuối năm Omisoka

Omisoka có nghĩa là ngày cuối cùng của 1 năm. Vào ngày này, hầu hết mọi người đã nghỉ lễ năm mới, dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, mua sắm và chuẩn bị các món ăn cho năm mới. Vào nửa đêm Omisoka (đêm giao thừa), tại khắp các Chùa ở Nhật Bản sẽ gióng tiếng chuông trừ tịch để báo hiệu qua năm mới. Theo Phật giáo, con người sẽ mang theo mình 108 điều phiền toái và bằng vào việc gióng 108 tiếng chuông vào nửa đêm này sẽ tránh khỉ được các phiền toái làm nặng tâm hồn. Trong khi lắng nghe những tiếng chuông chùa, mọi người sẽ ăn Koshisoba (mì kiều mạch) và cùng cầu nguyện cho sức khỏe và tuổi thọ trong năm mới.