Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản : Các loại hình Nghệ thuật 2

Ở Nhật có nhiều loại hình nghệ thuật mang tính chất tinh thần cao như Thiền và điều này đã tạo ra sức hấp dẫn rất mãnh liệt đối với người nước ngoài khi muốn tìm hiểu văn hóa của quốc gia này. Lần này, chúng tôi xin giới thiệu 1 số loại nhạc cụ độc đáo và âm nhạc truyền thống của Nhật.

Đàn Koto

Koto là một loại đàn dây bằng gỗ truyền thống của Nhật và có hình dáng tương tự như đàn Tranh của Việt Nam. Cả cây đàn dài khoảng 180cm, rộng 30cm và bao gồm 13 dây. Âm thanh được điều chỉnh bằng cách di chuyển các cột gỗ dùng để chống dây đàn (gọi là ji). Khi đánh đàn sẽ gắn 1 dụng cụ thay móng tay vào ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay phải để gảy, tay trái nhấn trực tiếp vào dây đàn để quyết định độ cao thấp của âm thanh. Trong thời kỳ Edo (1603-1867), koto là một trong những môn nghệ thuật được phụ nữ yêu thích học hỏi để nâng cao phẩm hạnh cảu mình.

Nhã nhạc

Nhã nhạc là loại hình âm nhạc được sử dụng trong Hoàng Cung và cho các lễ hội tại các đền chùa tại Nhật. Trong Hoàng Gia Nhật hiện tại có Bộ Lễ Nội Cung chuyên để biểu diễn nhã nhạc và ứng với các sự kiện của Hoàng gia sẽ diễn tấu các khúc nhạc khác nhau ứng với sự kiện đó. Khi trình diễn nhã nhạc sẽ có 3 loại nhạc cụ được sử dụng, bao gồm nhạc cụ dùng miệng thổi gọi Quản Nhạc Khí, Nhạc cụ dùng tay gảy gọi là Huyền Nhạc Khí và nhạc cụ dùng tay gõ gọi là Đả Nhạc Khí. Trong đó, có 2 loại rất độc đáo chỉ có ở Nhật được gọi là sho (1 loại đàn ) và hichiriki (1 loại sáo).

Đàn Shamisen

Shamisen là một loại đàn dây, hình dáng tương tự như đàn nguyệt của Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác của loại nhạc cụ độc đáo này là trên thân đàn được căng 3 dây đàn làm bằng sợi tơ và có độ to nhỏ khác nhau để tạo ra các âm thanh khác nhau. Khi biểu diễn, nghệ sỹ sẽ dùng 1 phím đàn gọi là Bachi dài cỡ bàn tay người và bề ngang khoảng một nửa. Đàn thường dùng trong các buổi trình diễn múa rối (Bunraku), Kabuki và các bài hát dân gian.

Sáo Shakuhachi

Shakuhachi là một nhạc cụ sáo thuộc Quản Nhạc Khí, đươc làm bằng tre và có 5 lỗ được khoét trên thân. Do không có phần tạo dáng để thổi không khí vào nên nghệ sỹ thường đặt Shakuhachi giữa cằm và môi để thổi. Tên gọi shakuhachi là do chiều dài của nhạc cụ đọc theo cách tính độ dài của Nhật mà có (khoảng 54cm). Trong thời kỳ Edo (1603-1867), chỉ có các tăng lữ của Thiền Tông mới được phép sử dụng nhạc cụ này.