Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản: Các trò chơi giải trí

Ngày nay, nói đến game thì không thể không nhắc đến các hãng game nổi tiếng Nintendo hoặc Sony Playstation, nói tới văn hóa giải trí thì nhất định sẽ không thể thiếu truyện tranh hoặc phim hoạt hình, đây là những loại hình vui chơi giải trí mang tính hiện đại của nhật Bản được mọi người trên thế giới sử dụng để làm giảm áp lực tinh thần và vui chơi. Tuy nhiên, Nhật Bản còn có nhiều các môn vui chơi giải trí mang tính truyền thống lâu đời. Kỳ này, Chúng tôi xin giới thiệu một số trò chơi giải trí có từ lâu đời tại Nhật Bản.

Cờ Shogi

Shogi là 1 môn cờ truyền thống chơi trong nhà rất được yêu thích ở Nhật Bản. Người ta nói rằng, môn cờ Shogi được sinh ra ở Ấn Độ và được giới thiệu đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8. Cùng lúc đó, môn cờ này cũng được giới thiệu vào phương tây tạo ra môn cờ vua như ngày nay. Các quy tắc chơi cho cờ Shogi và cờ vua là tương tự nhau. Điểm khác biệt là, trong shogi, khi một trong 2 người chơi cờ thắng được quân còa của đối phương thì có thể sử dụng quân cờ đó thành quân cờ của mình. Hai đối thủ chơi cờ sẽ luân phiên di chuyển 20 quân cờ của mình trên 81 ô vuông của bàn cờ Shogi, và người chiến thắng là người làm cho quân Vua của đối thủ không thể di chuyển thêm được bất cứ bước nào nữa.

Cờ vây

Không ai biết rõ nguồn gốc của cờ vây xuất phát từ đâu, chỉ biết là cờ vây đã được chơi rất lâu từ trước đây ở tại Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tại Nhật Bản, vào thế kỷ thứ 6, môn cờ này chủ yếu chỉ được chơi ở trong Hoàng cung. Khi chơi cờ vây, 2 người chơi sẽ chọn 1 trong 2 màu đá trắng đen để làm quân cờ của mình và lần lượt 2 người sẽ đặt chúng lên 1 trong các ô vuông theo tính toán của mình trên bàn cờ hình vuông có 361 ô cờ. Người chiến thắng là người có thể bao được nhiều quân cờ của đối thủ hơn. Đối với những người chơi chuyên nghiệp, thường sẽ sử dụng chiến thuật đặt những quân cờ gây cản trở đối thủ về sau hơn là đối đầu với từng nước cờ của đối thủ vào những phút đầu tiên. Mặc dù các quy tắc chơi rất đơn giản, nhưng lại có hàng ngàn thế cờ khác nhau nên trong một trận đấu chuyên nghiệp rất gây hào hứng cho người xem đặc biệt là những bàn thắng mang tính “lội ngược dòng" vào phút cuối. Ngoài ra, do lịch sử lâu đời của môn giải trí này nên cờ vây có rất nhiều người chơi và đặc biệt những quân cờ của những cờ thủ chuyên nghiệp thường được làm bằng vỏ sò, đá quý có giá trị rất cao.

Chơi đan dây Ayatori

Ayatori là một trò chơi truyền thống và tới ngày nay vẫn thường xuyên được các bé gái chơi. Nó bắt đầu từ thời Heian (794-1185) và phát triển mạnh mẽ vào thời Edo (1603-1867). Sau khi đã nối 2 đầu dây lại để tạo thành 1 vòng tròn khép kín, tùy theo hình dạng người chơi muốn tạo sẽ khoác dây vào các ngón tay hoặc cổ tay của 2 tay. Sau khhi đan xéo các sợi dây theo 1 công thức nhất định sẽ có thể tạo ra các hình dáng như cây cầu, dòng sông, cái trống v.v… Trò chơi này có thể chơi một mình, nhưng cũng có thể chơi 2 người bằng cách cùng đan, luồn xéo dây qua lại với nhau. Ở Anh và Mỹ cũng có một trò chơi tương tự như chơi đan dây Ayatori được gọi là Cat’s Cradle, ở Trung Quốc và dân tộc Maori ở New Zealand cũng chơi một trò tương tự.

Trò chơi Kendama

Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của trò chơi Kendama nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho việc xuất hiện của trò chơi này. Hiện tại, những ghi chép cũ về Kendama được tìm thấy là ở Pháp vào thế kỷ 16, dưới triều Vua Henry III là được xác nhận rõ ràng nhất. Kendama là một đồ chơi bằng gỗ được truyền vào Nhật Bản vào thời kỳ Edo (1603-1867). Kendama bao gồm 1 thanh gỗ (Ken) hình thánh giá với 1 đầu thanh đứng được vuốt nhọn, 2 đỉnh đầu thanh ngang được khoét lõm vào như cái đĩa và 1 quả bóng hình tròn (tama) có đục lỗ. 2 vật này được nối với nhau bằng 1 sợi dây với 1 độ dài nhất định. Khi chơi Kendama, người chơi cố gắng tung hứng quả bóng sao đó để có thể cắm lổ hổng của quả bóng vào đầu nhọn của thanh Ken hình thánh giá hoặc hứng quả bóng nằm lên đĩa của thanh ngang. Ngoài ra, còn có rất nhiều cách tung hứng với cấp độ khác nhau mà người chơi cần phải khéo léo và tập trung cao độ. Ở châu Âu, có một trò chơi tương tự được gọi là Cup and Ball. Hiện tại có nhiều giải thi đấu Quốc Tế về trò chơi này.

Nghệ thuật gấp giấy Origami

Origami vừa là trò chơi vừa là nghệ thuật rất độc đáo của Nhật Bản. Chỉ với 1 miếng giấy hình vuông và không cần sử dụng đến hồ và kéo vẫn tạo ra các động vật hoặc hoa lá với nhiều hình dạng khác nhau. Hầu hết trẻ em Nhật Bản đều biết Origami và hầu hết người Nhật đều có thể gấp những con hạc giấy. Ngoài ra, tại Nhật còn có một tập quán rất hay đó là gấp 1.000 con hạc giấy, gắn chúng lại với nhau thành 1 đoàn gọi là “senbazuru" đem gởi tặng cho người đang bị bệnh để cầu mong cho người đó nhanh chóng được hồi phục. Người ta cho rằng, người Nhật rất khéo léo tay chân là vì khi còn bé thường xuyên vui chơi với việc gấp giấy. Ngày nay, origami được dạy ở nhiều quốc gia và đôi khi còn được sử dụng làm tài liệu giảng dạy bộ môn hình học.

Trò chơi Ohajiki

Trò chơi Ohajiki là một trò chơi dành cho trẻ em và thường được các cô bé chơi. Tên của trò chơi bắt nguồn từ chữ “Hajiki" có nghĩa là búng và dụng cụ chơi là những viên bi dẹp với đường kính khoảng 1,2cm. Trước đây, dụng cụ chơi thường được sử dụng là vỏ sò và đá cuội. Nhưng hiện tại, dụng cụ chơi thường được làm bằng thủy tinh, gốm hoặc nhựa với rất nhiều màu sắc sặc sỡ tạo nên sự thích thú khi chơi. Có nhiều luật chơi khác nhau nhưng căn bản là, trước tiên trải các viên bi lên trên sàn nhà, mặt bàn … người chơi sẽ chọn 2 viên bi với 1 khoảng cách cho phép, sau đó búng sao cho viên bi này đụng vào viên bi kia mà không được đụng hoặc nảy trúng vào viên bi nào khác là sẽ nhận được viên bi đó. Trò chơi sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi không còn bi sót lại. Người chiến thắng sẽ là người có nhiều bi hơn. Trò chơi huấn luyện cho người chơi cách sử dụng chính xác sức lực ngón tay của mình. Sự khéo léo của đôi bàn tay sẽ được hình thành bằng những điều giản dị trong cuộc sống từ thuở ấu thơ.

Trò chơi Otedama

Otedama là một trong những trò chơi yêu thích của các cô gái, có thể chơi 1 mình hoặc chơi theo nhóm. Dụng cụ chơi là 1 túi vải làm thành hình cầu được bỏ đầy các hạt đậu vào bên trong. Ngoài đậu, cũng có thể cho sỏi hoặc gạo vào để tạo ra dụng cụ chơi. Có nhiều cách chơi cho món đồ chơi đơn sơ này, tuy nhiên cách đơn giản nhất vẫn là ném các túi vải hình cầu này lên không trung, vừa tung hứng chúng vừa hát 1 bài hát quen thuộc. Một lần chơi thường là dùng 5 hoặc 7 hoặc 9 quả cầu vải này để tung hứng. Một cô bé chơi giỏi có thể 1 lần tung cùng lúc 2 quả cầu vải, trong lúc đợi hứng chúng vào trong bàn tay lại có thể tiếp tục tung hứng thêm 1 quả cầu thứ 3. Từ những vật dụng đơn sơ có thể tạo ra những trò chơi giải trí trong mọi môi trường cho trẻ em, đây chính là nét đặc thù của văn hóa Nhật.

Chơi Oẳn tù tì

Oẳn tù tì là 1 trò chơi dùng bàn tay tạo ra 1 trong 3 hình dạng đá, kéo và giấy để quyết định thắng thua giữa 2 người hay 1 nhóm người. Có nhiều giả thuyết vẫn chưa xác định rõ được về nguồn gốc của trò chơi này nhưng hình thức chơi hiện tại của Nhật Bản hiện nay được cho là quyết định từ thời đại Meiji (1868-1912). Oẳn tù tì chủ yếu được trẻ em sử dụng khi quyết định thứ tự gì đó hoặc quyết định thắng thua để tiếp tục 1 hành động kế tiếp. Khi chơi, Đá là khi các ngón tay nắm lại, Giấy là khi cả bàn tay mở ra và Kéo là khi đưa ra 2 ngón chỉ và giữa. Đá sẽ đập gẫy Kéo, Kéo sẽ cắt nát Giấy và Giấy sẽ gói chặt Đá với cách suy nghĩ này Đá thắng Kéo, Kéo thắng Giấy, Giấy thắng Đá. Khi chơi theo nhóm, sẽ phải oẳn tù tì cho tới khi cả nhóm ra 2 loại hình thức mới quyết định được thắng thua nên đòi hỏi tinh thần tự giác rất cao. Hiện tại, ở Nhật vẫn thường xuyên thấy mọi người cùng chơi trò chơi này khi quyết định 1 việc gì đó cần sắp xếp theo thứ tự trước sau.

Chơi bài Karuta

Karuta một trong những trò chơi truyền thống, thường được chơi vào những ngày đầu năm mới tại Nhật Bản. Tên karuta xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là lá bài. Karuta có 1 lá bài vẽ hình ảnh, 1 lá bài ghi chữ tạo thành 1 cặp và tùy theo loại bài Karuta mà số lượng lá bài sẽ khác nhau. Có 1 người chủ sự sẽ đọc lá bài ghi chữ và những người chơi sẽ nhanh tay chọn lá bài vẽ hình còn lại phù hợp với lá bài đó được sắp xếp sẵn ở trên nền nhà. Người nào nhanh tay chiếm được nhiều lá bài hình ảnh nhất sẽ là người chiến thắng. Bài Karuta truyền thống nhất gọi là “Iroharuta", mỗi 1 lá bài ứng với 1 câu ca dao tục ngữ và từng câu tục ngữ sẽ bắt đầu bằng 1 chữ cái trong 47 âm của bảng chữ cái của Nhật Bản. Ở Trường cũng tổ chức chơi bài Karuta để các em học sinh nhớ được các câu nói truyền lại từ xa xưa để tiếp tục gìn giữ nó.

Chơi bài Hyakunin Isshu

Hyakunin Isshu (Ogura Hyakunin Isshu) cũng là một loại bài Haruta nhưng được Chủ Sự ngâm khi chơi nên còn gọi là bài Karuta hát ngâm. Hyakunin Ishyu có 100 lá bài là 100 bài đoản ca 5 câu được Ông Fujiwara no Sadaie chọn từ “tuyển tập 100 thi nhân Waka" được viết vào thời kỳ Heian (794-1185), biên soạn từng bài thơ và tạo ra trò chơi này. Cũng giống như bài Haruta thông thường, từ thời Edo trở đi Hyakunin Ishu cũng thường được chơi vào những ngày đầu năm mới. Hầu hết các bài thơ trong tuyển tập là nói về tình yêu và sự tuần hoàn của thời gian nên không phù hợp cho trẻ em chơi vì từ ngữ cổ xưa rất khó nhớ. Khi chơi sẽ có người ngâm chậm rãi 3 câu thơ đầu trong 5 câu thơ của đoản ca ghi ở 1 lá bài, những người chơi sẽ nhanh chóng nhớ ra các câu thơ còn lại và tìm ra nó trong các lá bài được xếp sẵn trền nền nhà. Ở Trường cũng sẽ tổ chức chơi trò chơi này vì nó giúp học sinh, sinh viên ghi nhớ những kiệt tác waka.

Chơi đánh Hanetsuki

Hanetsuki cũng là 1 trò chơi truyền thống của Nhật Bản chơi vào trong những ngày đầu năm mới và cũng thường được các cô gái chơi. Trò chơi này cũng tương tự như chơi đánh cầu lông, nhưng vợt đánh được gọi là Hagoita, là 1 phiến gỗ có được vẽ các hình ảnh đầy màu sắc và một trái cầu nhỏ có gắn những lông cánh dài chung quanh. Hagoita được trang trí rất đẹp mắt nên cũng sẽ được sử dụng trưng bày trong nhà vào những ngày Tết.

Thả diều

Thả diều là trò chơi được nhiều nơi trên thế giới tổ chức. Thả diều không chỉ đơn thuần là 1 trò chơi, tùy theo quốc gia nó còn được thả lên cho mục đích bói toán trong 1 vài tôn giáo và mục đích quân sự. Ở Nhật Bản, có rất nhiều loại diều khác nhau đã được nghĩ ra trong thời kỳ Heian [794-1185]. Diều Nhật Bản có khung làm bằng tre và dán giấy được làm tại Nhật Bản. Có 2 loại Diều thường thấy tại Nhật, 1 là loại diều vẽ tranh của các võ tướng thời chiến quốc hoặc các diễn viên kịch kabuki và 2 là diều vẽ các chữ thư pháp. Khi thả diều, Người Nhật có truyền thống thả diều vào đầu năm mới với ước mong cầu cho con cháu của mình mạnh khỏe và hạnh phúc trong suốt năm mới. Diều và Hanetsuki là những hình ảnh điển hình thường thấy trong những ngày Tết tại Nhật Bản.

Con gụ [con quay]

Về nguồn gốc của con gụ, cho đến nay vẫn chưa có giả thuyết nào trên thế giới có tính thuyết phục giải thích về nó. Con gụ được cho là lâu đời nhất trên thế giới được tìm thấy ở Ai Cập và có niên đại khoảng từ 2000 năm đến 1400 năm trước Công nguyên. Tại Nhật Bản, con gụ được cho là cổ nhất được phát hiện từ tàn tích Fujiwarakyo vào thế kỷ thứ 7. Trước đây, các con gụ là món đồ chơi của giới quý tộc Nhật Bản. Các con gụ hầu hết được làm bằng gỗ, có hình tròn, tâm của nó có trục bằng sắt nên có thể xoay tròn trên lòng hoặc mu bàn tay. Các con gụ quay bằng lực quán tính nên có thể quay cho đến hết lực, thậm chí ngay cả sau khi va chạm vào các vật khác. Ở Nhật có những nghệ sỹ đường phố chuyên lấy gụ để biểu diễn nghệ thuật như cho chúng quay trên tán dù, quay và di chuyển giữa 2 sợi dây kéo căng. Họ luôn cố gắng khai thác tối đa các khả năng có thể kết hợp với con gụ để biểu diễn và nghiên cứu đến tận cùng giới hạn của chính mình.