Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản: Tập tục ngày Tết

Người Nhật Bản sử dụng Tết dương lịch và Tết cũng là một trong những ngày lễ rất quan trọng. Cho đến trước khi kết thúc Thế chiến thứ II, cách tính tuổi của người Nhật được tính vào ngày đầu năm mới mà không phải tính theo ngày sinh như hiện tại. Người dân Nhật Bản thường hay nghỉ 3 ngày Tết. Các Công ty và Trường học thường nghỉ một tuần hoặc hơn nữa vào thời điểm này.

Shimekazari

Vào những ngày Tết, người Nhật thường có thói quen treo trước cổng hoặc cửa ra vào nhà các vật trang trí để trừ tà trong năm mới được gọi là shimekazari. Shimenawa là 1 trong các loại shimekazari được bện bằng rơm thành sợi và sợi dây này dùng treo trước nhà với ý nghĩa nơi treo dây bện này là nơi linh thiêng được thần linh ngự xuống. Kết hợp với sợi dây shimenawa còn trang trí thêm hoa cúc, lá dương xỉ và 1 vài con tép được cho là biểu hiện cho sự may mắn thịnh vượng trong năm mới. Sau khi kết thúc những ngày Tết, shimekazari dùng trang trí trong những ngày này sẽ được mang đến Đền để đốt đi.

Kadomatsu

Kadomatsu cũng là vật trang trí theo cặp đặt trước cửa nhà từ ngày 1 đến ngày 7 Tết và thời gian này gọi là Matsunouchi. Kadomatsu được trang trí bằng 3 cây trúc vát xéo với độ dài ngắn khác nhau, thêm vào đó là ít cành thông và cành hoa mai được cột chung với nhau bằng sợi dây rơm mới theo 1 trật tự có ý nghĩa. 3 loại cây Thông Trúc Mai này được cho là vật mang lại may mắn trong 1 năm và gọi là shochikubai. Trong đó, từ xa xưa cây thông luôn là biểu tượng của sự trường thọ, tại Nhật còn được cho là thần linh sẽ ngự trị xuống trên các cây thông trong ngày Tết. Kadomatsu sẽ được dọn và mang đi đốt vào ngày 7 tháng 1.

Đi Hatsumode

Nhiều người Nhật thường đến Chùa và Đền thờ hái lộc trong 3 ngày đầu năm mới để cầu nguyện cho sức khỏe và hạnh phúc trong năm. Hatsumode có nghĩa là lần đầu tiên trong năm đi viếng đền chùa. Tại những đền thờ nổi tiếng như đền Meiji-jingu, mỗi năm có hơn 3 triệu người tới để tham gia Hatsumode. Trong đêm giao thừa, cũng có nhiều người đến chùa để nghe tiếng chuông tiễn đưa năm cũ và đón năm mới sau đó tham gia Hatsumode. Các lộc năm mới thường được mọi người mua về là mũi tên trừ tà gọi là Hamaya hoặc các bùa hộ mệnh, sức khỏe … Ngoài ra, từ ngày 1 đến ngày 7, việc viếng thăm 7 đền thờ thờ các vị thần về trường thọ, tài lộc, mua bán thịnh vượng, trí tuệ, đức hạnh, chiến thắng cũng rất được yêu thích. Tại lễ Hatsumode, nhiều người Nhật tham gia với trang phục Kimono, đây là một trong số ít sự kiện còn sót lại để người Nhật hiện đại mặc các trang phục truyền thống.

Món ăn năm mới osechi-ryori

Osechi-ryori là món ăn truyền thống đặc biệt được ăn vào 3 ngày đầu tiên trong năm mới. Hầu hết osechi-ryori được nấu rất nhiều món với ý nghĩa có thể đủ ăn trong vòng 3 ngày Tết để phụ nữ có thể nghỉ ngơi việc nấu nướng trong 3 ngày đầu năm. Nhiều loại món ăn được sắp xếp đẹp mắt vào trong hộp có nhiều tầng chất chồng lên nhau. Mặc dù có sự khác biệt tùy theo từng địa phương về các món ăn và cách nêm nếm gia vị, nhưng vẫn có những món ăn thống nhất chung trong toàn nước Nhật. Ví dụ, trứng cá trích mang ý nghĩa sinh nhiều con cháu, đậu đen có ý nghĩa khỏe mạnh do sự đồng âm trong tiếng Nhật, Tôm có ý nghĩa trường thọ vì hình dáng cong của con tôm liên tưởng đến hình ảnh người già lưng còng xuống theo năm tháng.

Bánh dày Kagamimochi

Kagamimochi là một cặp bánh dầy tròn, với một chiếc bánh nhỏ đặt ở trên và một chiếc bánh lớn đặt ở dưới. Bánh dày từ lâu đã được coi là một thực phẩm thiêng liêng, vì nông nghiệp canh tác trồng lúa là 1 công việc rất được coi trọng đối với người Nhật từ xa xưa đến nay. Kagamimochi cũng được sử dụng để dâng cúng lên cho thần linh hoặc đặt trang trí ở những nơi trang trọng trong nhà. Ở nhiều địa phương tại Nhật, vào ngày 11 tháng 1 sẽ hạ kagamimochi xuống khỏi đền thờ và dùng dao hoặc búa phân nhỏ ra, ăn chung với đậu đỏ đã được hầm mềm.

Súp Zoni

Một món ăn khác cũng thường được ăn trong những ngày Tết là súp Zoni, được nấu bằng bánh dầy, rau, thịt gà và hải sản. Súp Zoni ăn tại vùng phía đông Nhật được nấu với vị nước tương và sử dụng bánh dày hình vuông. Nhưng ở vùng phía tây và các tỉnh miền nam sẽ được nấu với vị miso (tương đậu nành) và ăn với bánh dày tròn. Có rất nhiều nguyên liệu khác nhau được cho vào để nấu món súp zoni, nhưng hầu hết mỗi địa phương sẽ sử dụng nguyên liệu đặc sản của chính quê hương mình.

Giấc mơ đầu trong năm-Hatsuyume

Hatsuyume là 1 việc coi bói về giấc mơ đầu tiên trong năm mới. Tại Nhật Bản, nhiều người có thói quen xem bói về vận khí của mình trong năm mới thông qua giấc mơ đầu tiên nhìn thấy trong năm. Những giấc mơ được coi là mang điềm tốt lành nhất theo thứ tự là mơ nhìn thấy núi Phú Sĩ, chim ưng. Để có thể mơ những giấc mơ đầu tiên tốt đẹp, một số người đặt dưới gối ngủ của mình hình ảnh con tàu kho báu của Bảy vị thần may mắn hoặc hình ảnh của con Baku, một con vật do trí tưởng tượng tạo ra được cho là ác mộng.