Tìm hiểu cuộc sống Nhật Bản: Phong Bì Tiền Mừng Trong Tiệc Cưới

Ở Nhật, khi được mời đi ăn cưới của người Nhật thì sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải nhớ để đúng phận “nhập gia tùy tục” và để tỏ ra hiểu văn hóa 🙂. Điều trước tiên, sau khi nhận được thiệp mời thì sẽ phải chọn có đi dự hay không, đi 1 mình hay cả gia đình gồm bao nhiêu người rồi gởi trả lời lại bằng postcard đính kèm. Kế tiếp là văn đề ăn bận như thế nào, và cuối cùng là vấn đề phong bì tiền mừng. Có 4 vấn đề cần phải nhớ trong khi chọn phong bì tiền mừng cho buổi tiệc cưới Hiroen để chúc phúc cho cặp vợ chồng trẻ trong ngày hạnh phúc này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề phong bì tiền mừng, 1 trong những vấn đề tế nhị nhất trong bữa tiệc bạn nhé!

Điều thứ nhất

Chọn phong bì có biểu tượng gọi là Noshi bên góc phải của phong bì. Nguồn gốc của Noshi là con bào ngư phơi khô và kéo dài thành sợi, là thức ăn cao cấp dùng để biếu tặng trong thời kỳ xa xưa khi các nguồn thực phẩm còn quí hiếm. Theo thời gian món đồ này đã trở thành biểu tượng vẽ trên các phong bì và dùng với ý nghĩa cầu chúc các điều tốt đẹp sẽ xảy ra trong những ngày sắp đến.

Điều thứ hai

Chọn màu sắc, số lượng, cách thắt của sợi dây thắt nơ trên phong bì gọi là Mizuhiki. Cách thắt phải là 2 cách thắt không thể gỡ được gọi là Awajimusubi hoặc Musubikiri. Đây là cách thắt càng kéo càng xiết chặt vào nên tượng trưng cho việc cuộc sống tương lai của đôi vợ chồng trẻ ngày càng trở nên khắng khít. Ngược lại, cách thắt bướm xinh đẹp lại tối kị trong trường hợp này, vì không ai muốn cuộc tình này có thể cởi đi thắt lại nhiều lần. Thắt bướm chỉ phù hợp với các trường hợp chúc phúc cho điều gì đó mong muốn được lặp lại nhiều lần. Ở Nhật thì mừng thôi nôi cũng thường sử dụng cách thắt nơ này để chúc phúc. Có lẽ Việt Nam thì phải suy nghĩ lại vấn đề này vì có thể cũng là cấm kị đối với 1 số người nhỉ! Màu sắc thì chọn màu vàng hoặc trắng và đỏ. Màu đen và trắng tuy trang trọng nhưng chỉ phù hợp với những trường hợp buồn, tang tóc (Trang phục đi dự cưới lại là màu đen và trắng nhé!). Số lượng sợi dây là 10 sợi so với các phong bì chúc mừng khác là 5 sợi với ý nghĩa là cầu mong niềm vui được nhân đôi.

Điều thứ ba

Chọn loại phong bì màu trắng để biểu thị và chúc mừng cho sự thanh sạch của cặp vợ chồng trẻ. Trên phong bì có in chữ thọ 「寿」hoặc「壽」. Dĩ nhiên các loại phong bì màu sáng cách điệu cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên, màu trắng vẫn là loại mang nhiều đến nhiều ý nghĩa cho ngày trọng đại này. Ngoài ra, nên chọn loại có lồng thêm 1 phong bì nhỏ bên trong để có thể ghi số tiền mình gởi tặng lên bề mặt của phong bì này. Có lẽ đây cũng là nét văn hóa cẩn thận và tỉ mỉ của người Nhật trong vấn đề tiền bạc.

Điều thứ tư

Chọn loại phong bì phù hợp với số tiền bạn sẽ tặng. Tại Nhật, có những con số phải tránh vì có những từ đồng âm không mang ý nghĩa tốt là 4, 6 và 9, nên Bạn không nên bỏ những số tiền bắt đầu bằng những chữ số này vào phong bì. Nếu từ 10 ngàn đến 30 ngàn yên, Bạn có thể chọn loại phong bì in với đầy đủ các điều kiện đã đề ra ở phía trên. Từ 30 ngàn đến 50 ngàn yên thì chọn loại dây thắt rời. Từ 50 ngàn đến 100 ngàn yên thì chọn loại có dây thắt cầu kỳ tiến hóa từ 2 loại không cởi được như đã trình bày và loại phong bì dùng giấy Nhật Washi. Từ 100 ngàn yên trở lên thì ngoài phong bì giấy Nhật thì thêm vào đó là loại dây thắt hình các con linh vật Hạc hoặc Rùa.

Tiệc cưới là 1 sự kiện trọng đại của 2 người trưởng thành, sau 1 thời gian quen biết, tìm hiểu và quyết định đến với nhau. Vì vậy, người Nhật luôn rất cẩn thận trong vấn đề tổ chức Tiệc và thường dùng rất nhiều thời gian để chọn địa điểm, khách, ngày Đại An của lịch Nhật Bản. Họ thường lựa chọn các nhà tổ chức chuyên nghiệp để Họ tư vấn và thực hiện tất cả các dịch vụ cần thiết liên quan đến nghi thức cưới hỏi cho đôi vợ chồng trẻ để cả 2 thật sự hạnh phúc trong ngày trọng đại này. Nếu là bạn, có lẽ bạn cũng không muốn gặp những điều nên tránh trong ngày hạnh phúc này của mình. Vì vậy, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ các phong tục tập quán tại Nhật để chúng ta có thể tránh được nhiều sơ suất nhé!

Cuộc sống